Việt Cupid và câu chuyện đắng – ngọt đời khởi nghiệp

Gác lại những đam mê, bay bổng của một thời tuổi trẻ sôi động yêu thích nghệ thuật và nổi tiếng với biệt danh “Việt Cupid – Người kể chuyện”, chàng trai quê gốc Sài thành lên Đà Lạt khởi nghiệp đã được những người dân phố núi yêu thương hiện nay gọi bằng cái tên thân mật “Chú Việt”.

Chú Việt là tên gọi thân thương người dân Đà Lạt dành tặng cho “Việt Cupid – Người kể chuyện”

Đối với nhiều người dùng internet và mạng xã hội tại Việt Nam, Việt Cupid là một cái tên quen thuộc và gần gũi. Chàng trai này từng là người sáng lập ra Mr.Cù Family – nhóm hài chuyên hát nhép, làm clip nhái (parody) dẫn đầu xu hướng, rất nổi tiếng trong giai đoạn vào khoảng những năm 2007 – 2011. Sau đó, anh tiếp tục gây dấu ấn với dự án “Việt Cupid – Người kể chuyện”, chuyên thực hiện những series giải trí mang tính nhẹ nhàng, dí dỏm thông qua  những câu chuyện logic, liền mạch, tạo được sức hút.

Mặc dù đảm đương nhiều vai trò, vị trí trong sản xuất các dự án MV, TVC quảng cáo, phim ngắn,… được nhiều khán giả và khách hàng yêu mến, thế nhưng, cuối năm 2018, Việt Cupid bất ngờ thu xếp mọi thứ, đưa vợ lên thành phố Đà Lạt để sinh sống, lập nghiệp. Hành trình khởi nghiệp làm lại từ đầu bằng con số 0, thoát vai người trong làng giải trí để định danh nơi xứ lạ của chàng trai có nhiều lý tưởng với những câu chuyện buồn vui và trải nghiệm sẽ là những bài học đầy ý nghĩa, hữu ích cho các bạn trẻ.

“Chú Việt” là người trẻ hiếm hoi lập nghiệp thành công và trụ lại Đà Lạt nhờ tinh thần kiên nhẫn và làm việc cố gắng

Vỡ mộng lý tưởng bởi chọn con tim thay vì nghe lời lý trí

Một ngày cuối năm 2018, mặc cho những nguyên ngăn từ bạn bè và người thân, “Chú Việt” – Việt Cupid (tên thật là Nguyễn Quốc Việt) vẫn quyết định sắp xếp hết mọi công việc đang có tại TPHCM, đóng công ty, đưa vợ cùng lên Đà Lạt để thiết kế một cuộc sống mới.

Anh hình dung Đà Lạt sẽ là một vùng đất hứa của cả hai. Bởi trong suy nghĩ của anh, Sài thành ồn ào và náo nhiệt quá mức, công việc lại vây quanh dồn dập và chất chồng khiến cho tâm trạng đôi lúc trở nên mệt mỏi, căng thẳng, rối bời. Để cứu lấy bản thân, anh thấy cần phải sống khác và phải thoát, nên chọn lên Đà Lạt để được sống chậm với đời.

Nghĩ là làm, anh liền tâm sự với vợ và may mắn được một nửa yêu thương hoàn toàn ủng hộ. Bố mẹ tôn trọng suy nghĩ của con nên cũng chẳng khuyên ngăn hay nói ra nói vào, nên cứ thế hai vợ chồng kéo nhau lên Đà Lạt để khởi nghiệp, làm lại từ đầu.

“Chú Việt” nhớ lại: “Lúc đó hai vợ chồng chưa có con nhỏ nên cũng không mảy may lo lắng điều gì, nói đi là cuốn gói lên xứ xa lập nghiệp thôi. Vả lại, không khí của Đà Lạt mát quá, cái “mood” ấy dễ làm con người ta muốn gắn bó lâu dài. Thế là hai vợ chồng quyết định thuê nhà mở một quán ăn nho nhỏ. Tôi nghĩ mình đã chọn sống chậm lại rồi thì chắc cũng không còn cần có quá nhiều nhu cầu, chỉ cần sống đơn giản vừa đủ ăn vừa đủ mặc thôi. Nhưng đời mưu sinh, khởi nghiệp đâu có giản đơn như vậy”.

“Chú Việt” rời bỏ thành phố lên Đà Lạt khởi nghiệp bằng quán nhỏ bán bánh đúc nơi đầu một con dốc

Những ngày mới về sống tại nơi đây, anh phát hoảng khi mức sống cao và các khoản chi tiêu cần tiền nhiều không thua kém gì tại TPHCM hay Hà Nội… Ngược lại, đồng tiền không hề dễ kiếm như anh hình dung ở trong đầu. Anh kể: “Mỗi ngày, mở mắt ra là đủ thứ tiền, nào phí trọ, tiền ăn và 1001 sinh hoạt phí khác. Trong khi đó, công việc buôn bán nhỏ chỉ kiếm được 5 – 7 triệu đồng mỗi tháng không đủ chi tiêu cho cả hai. Tôi nhận ra, chất nghệ sĩ không giúp được tôi nuôi mình và vợ. Thế là tôi tỉnh mộng, quyết tâm nghĩ cách trở thành một người kinh doanh thứ thiệt”.

Những đồng bạc lẻ đổ mồ hôi, sôi nước mắt

“Chú Việt” cho biết, lên Đà Lạt được gần một năm thì vợ anh có bầu, chuẩn bị sinh con. Thời gian này, dịch bệnh lại khởi phát nên khách du lịch đến Đà Lạt cũng giảm dần. Những người làm kinh tế, mưu sinh dựa vào công việc phục vụ khách du lịch như vợ chồng anh đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Đến mức “cuộc sống bị thay đổi hoàn toàn, phải góp nhặt từng đồng tiền lẻ rất là khủng khiếp”, anh nói.

Có những lúc, “Chú Việt” đi làm cả ngày cũng chỉ đủ để đổi lại cái phòng cho hai vợ chồng cùng ở. Bởi trong môi trường mới, mối quan hệ của anh với mọi người xung quanh tại Đà Lạt không nhiều như ở Sài Gòn. Công việc do dịch bệnh bị trì trệ, khiến hai vợ chồng mất nhiều thu nhập. Khi đó, anh mới nhớ lại khoảng thời gian chưa lập nghiệp, mỗi tháng tại Sài Gòn anh kiếm đến hàng chục, thậm chí là cả trăm triệu. Anh thổ lộ: “Điều này càng khiến tôi có thêm quyết tâm dẹp gọn con người nghệ sĩ của mình lại, để tích cực làm việc”.

“Chú Việt” và vợ quyết định tập trung bán quán nhỏ rồi cung cấp các dịch vụ F&B chuyên nghiệp (cung cấp ăn uống, ẩm thực) cho khách du lịch. Mọi việc tưởng suôn sẻ thì bệnh dịch tả lợn châu Phi bất ngờ xuất hiện tại Đà Lạt khiến cho cả hai khó khăn thêm lần nữa vì khách hàng ngại du lịch, hạn chế ăn thịt.

“Chú Việt” chăm chỉ, tích cực làm việc trên hành trình khởi nghiệp

Cánh cửa kinh doanh F&B của hai vợ chồng tưởng chừng đã đóng lại vì những thách thức, khó khăn. Nhưng thật may mắn, trong một lần được mời đi ăn tiệc BBQ ở villa của một người quen, “Chú Việt” phát hiện mô hình cung cấp tiệc BBQ giao tận nơi có thể phát triển tại Đà Lạt nhưng vẫn chưa có ai định hình, khám phá và làm. Đây là cơ hội quý hơn vàng nên ngay lập tức, anh quyết định thử nghiệm cung cấp mô hình tiệc BBQ giao tận nơi cho các khách hàng sử dụng dịch vụ thuê villa của hai vợ chồng. Không ngờ rất nhiều khách hàng yêu thích, đặt tiệc và giới thiệu cho bạn bè nên Bếp Chú Việt chuyên cung cấp tiệc BBQ giao tận nơi tại Đà Lạt ngay lập tức được ra đời.

“Chú Việt” luôn lạc quan và quyết tâm trước mọi thử thách trên hành trình khởi nghiệp

“Chú Việt” chia sẻ: “Tính đến giờ chắc cũng hơn 4 năm rồi, kể từ ngày 28/5/2020. Tôi lấy tên Bếp Chú Việt vì Chú Việt là tên tôi được những đứa trẻ Đà Lạt đặt cho. Hồi đó, lúc mới lên Đà Lạt, tôi có mở một quán bánh đúc nhỏ ở đầu dốc một con hẻm bên phường 6,  đường Nguyễn An Ninh. Dưới dốc là nhà của các thầy cô dạy cấp 1 nên mỗi ngày lũ trẻ con hay lên xuống và ghé quán ăn bánh đúc. Những đứa trẻ cứ gọi tôi là “Chú Việt! Chú Việt!”, nghe hay hay và thân thương nên tôi quyết định lấy “nick-name” đó làm tên quán và dịch vụ chuyên cung cấp tiệc BBQ giao tận nơi”.

Thành công và những bài học quý được rút ra

Hiện nay, Bếp Chú Việt là một thương hiệu chuyên cung cấp dịch vụ tiệc BBQ giao tận nơi có giấy phép kinh doanh, có chứng nhận VSATTP và uy tín hàng đầu tại thành phố ngàn hoa Đà Lạt.

“Chú Việt” cho biết, để có được ngày hôm nay, bản thân anh và vợ đã trải qua rất nhiều giai đoạn khó khăn và thử thách trên hành trình mưu sinh, khởi nghiệp nơi đất lạ. Nhiều người trẻ mang lý tưởng lên Đà Lạt cùng thời điểm với anh đã không chịu nổi và lần lượt rời bỏ vì không đủ kiên nhẫn. Nên “Chú Việt” nhận ra, nếu muốn thành công, phải lì lượm cố gắng hoặc cố chấp. Cố gắng để công sức bỏ ra không trở thành số 0. Cố chấp bám trụ để tiếp tục kiên nhẫn làm những công việc mình phải làm một cách thuần thục mỗi ngày và phải biết lắng nghe ý kiến của mọi khách hàng.

“Chú Việt” cũng cho biết, những người trẻ như anh rất dễ bị thu hút bởi vùng đất mới xinh đẹp có khí hậu trong lành và mát mẻ như Đà Lạt. Nhưng lập nghiệp, mưu sinh là cả một vấn đề lớn, không đơn thuần chỉ lắng nghe con tim mà bất cần lý trí.

“Chú Việt” từng có kinh nghiệm xương máu, mất tiền tỉ trong 2 năm khi xuống tay sai lầm đầu tư mở quán chỉ vì chiếc mặt bằng đẹp. Anh kể: “Tôi từng kiếm được một chiếc mặt bằng đẹp để mở quán nướng tại Đà Lạt. Lúc đến đó, nhìn quán decor đẹp, concept đẹp lại ở trên một khoảng không gian mặt bằng đẹp nên tôi xuống tiền đầu tư ngay, lựa chọn theo trái tim mà quên rằng sau dịch kinh tế suy thoái, khách hàng giảm mạnh. Tôi mất đi số vốn gần 1 tỉ đồng. Sau này, tôi rút ra bài học phải chọn lý trí chứ đừng làm vì con tim khi kinh doanh, nhất là khi khởi nghiệp ở Đà Lạt”.

Bằng sự trải nghiệm và kinh nghiệm đối diện với những khó khăn, thách thức trên hành trình đi tìm vùng đất mới để khởi nghiệp, “Chú Việt” cho biết, những người trẻ cần phải rất tỉnh táo trước những lựa chọn mang tính liều lĩnh và khám phá. Anh nói: “Đừng chỉ vì yêu thích một khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp nào đó mà rời bỏ tất cả để dựng lại từ đầu nếu bản thân chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về văn hóa, đời sống của địa phương tại nơi sẽ đến. Đặc biệt nên có phương án phòng bị những rủi ro, phát sinh liên quan đến tài chính, kinh tế để đảm bảo những điều kiện cơ bản có thể sống tốt ít nhất trong 2 năm đầu tiên”.

 “Chú Việt” trở thành người trẻ tiên phong, khởi nghiệp kinh doanh thành công với mô hình tiệc nướng BBQ giao tận nơi tại Đà Lạt hiện nay

Trương Quốc Phong