‘Kiện Trời’ và thử thách của cây bút GenZ – Giai Du

Giai Du xuất hiện trước mặt tôi nhỏ nhắn, gầy tong, với cặp mắt kiếng dày cộp và câu chuyện đắm đuối với văn chương cùng những thử thách để khám phá chính mình cũng như hành trình mà anh chàng đang đeo đuổi.

Văn chương chưa bao giờ là con đường dễ đi, chí ít với những người trẻ và mang hoài bão lớn. Thời này, văn hóa đọc đã bị chi phối bởi nhiều hình thức giải trí khác, vậy nên khi ngồi cùng chàng trai GenZ này không dưng tôi mừng thầm, ít ra vẫn còn những người dấn thân quyết liệt và tận tụy cùng câu chữ. Tôi nói với Giai Du, đó sẽ là chặng đường khó khăn bởi sự nhọc nhằn của viết lách và sự cân bằng với mưu sinh thường nhật. Nhưng, tôi vẫn tin sẽ luôn có người cạnh bên, hỗ trợ, chia sẻ và ủng hộ những người viết trẻ có máu liều như thế. Suy cho cùng, thế hệ viết trước luôn nâng bước cho thế hệ đi sau. Chính tôi đã từng được các anh chị đi trước tiếp lửa để đường văn mình sáng những bước chân.

Giai Du quê An Giang, sinh năm 2001, tốt nghiệp chuyên ngành Văn học, trường Đại học Sư phạm Hồ Chí Minh, hiện đang học Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận văn học tại trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh.

Năm 2023, anh chàng sau nhiều lần chờ đợi cũng được NXB Kim Đồng ấn hành truyện dài “Chiều chiều quạ nói với diều”. Năm 2024, anh chàng cũng thử sức mình với Linh Lan Book và may mắn đơn vị làm sách này chấp nhận bản thảo tiểu thuyết “Kiện Trời”.

Tôi vẫn hay nói cùng bạn bè văn chương mình, mảnh đất An Giang luôn lấp lánh những tác giả viết rất trẻ nhưng đầy nội lực. Họ viết, sống và tận hiến với văn chương một cách chân thành lẫn bền bỉ. Từ trong âm thầm đó, họ luôn mang đến sự ngạc nhiên cho làng văn. Với tôi Giai Du cũng như vậy, khá bất ngờ bởi sự già dặn trong cách viết của anh chàng GenZ này.

Nếu như trong “Chiều chiều quạ nói với diều” là một vùng kí ức mênh mang sông nước Nam Bộ với những câu chuyện tuổi hoa niên đậm đà văn hóa, bản sắc của miền Tây chín nhánh sông thì “Kiện Trời” là một tư duy sáng tạo khác xa. Không bám theo bản xứ để làm nên chất liệu tạo cho mình vùng sáng tác riêng, Giai Du thử thách chính mình bằng một câu chuyện khá “ảo” nhưng lại rất “thực”.

Tôi đọc nhiều tác phẩm của các bạn GenZ và rút ra sự chiêm nghiệm của thế hệ viết này. Đó chính là sự bứt thoát và tư duy thời đại. Ngay từ tác phẩm đầu tay “Chiều chiều quạ nói với diều”, Giai Du đã mang đến một câu chuyện từ tình bạn đến tình yêu của 2 chàng trai ở độ tuổi thiếu niên. Thẳng thẳn và quyết liệt, dẫu trên cái phông nền văn hóa sông nước nhưng đầy khát khao của sự công nhận bản dạng giới, thay đổi lệ tính của một vùng đất mà câu chuyện yêu đương đồng giới đôi khi vẫn còn chưa thể cởi mở với độ tuổi thiếu niên. Cũng từ đó, “Kiện Trời” đến với tôi bằng tâm thế đoán xem anh chàng này có chiêu trò gì để đẩy bật văn chương mình lên hơn nữa.

Tôi mất 2 ngày để tập trung đọc cho xong cuốn tiểu thuyết này. Câu chuyện từ chàng trai Thuận được Thái Thượng Lão Quân tặng viên ngọc có thể giúp anh chàng lên trời thăm chốn bồng lai tiên cảnh, nhân một dịp Thái Thượng Lão Quân hạ phàm. Trần thế với những đắng cay và nghiệt ngã khiến Thuận nhận thấy “ông trời vẫn không có mắt” khi kẻ xấu vẫn nhởn nhơ và người tốt thường thiệt thòi. Sự bất bình lên đến đỉnh điểm khiến anh chàng dùng viên ngọc quý để lên trời và kiện Ngọc Hoàng.

Những tưởng khi được nắm trong tay quyền làm Thượng đế để xử lý chuyện phàm trần thì một người đã sống với dọc ngang cõi người như Thuận sẽ xử lý trọn vẹn hơn nhưng không, tất cả đều như một guồng quay và khi phá vỡ guồng quay nhân sinh thì cũng là lúc chính chúng ta phải có sự trả giá. Được làm Ngọc Hoàng là được quyền trực tiếp làm tất cả không thông qua một quy trình xử lý nào cả. Thế nhưng rắc rối cũng từ đó mà trải dài thành cả hệ lụy. Để rồi cũng chính Thuận khi đối diện với mớ bòng bong mình gây ra với mục đích trả con người thiện lương về đúng quỹ đạo, bài trừ hẳn những kẻ xấu, thì lại kêu lên trong tuyệt vọng, nhất quyết trả Hoàng bào về lại làm Người. Guồng quay cuộc đời như mắc xích từng mắc một đan vào nhau để cộng sinh cũng như đồng tử. Không có chuyện gì là vô nghĩa. Cũng không có một con người nào tồn tại trong cõi phàm mà không mang một giá trị. Dẫu tốt hay xấu chính con người đã dạy cho đời, cho nhau, cho xã hội những bài học mà từ đó chính con người hoàn thiện dần lên. Như loài hoa đúng mùa mới nở, chuyện cuộc đời đúng thời khắc tự an bày và phân mình.

Giai Du hình thành cốt truyện tốt, như một điển tích mà chính chúng ta đều biết là “Cóc kiện trời”, nhưng ở đây, Giai Du đi sâu vào nhiều khía cạnh tâm lý con người khi đối diện với nhân quả. Khai thác nhiều câu chuyện hiển nhiên trong cuộc sống chúng ta vẫn bắt gặp và luôn tự hỏi tại sao phải làm vậy? Vì sao không làm thế kia? Góc nhìn đi từ cá nhân được lan ra thành bao quát để thấy một chuyện nhỏ nhưng ảnh hưởng cực kỳ to.

Nhưng, có lẽ còn tham vào khai thác tâm lý nhân vật nên hầu hết các trường đoạn mang màu triết luận hoặc tự sự đều dài dòng và rườm rà. Thể như chính tác giả muốn trưng ra cho bằng hết những giải bày. Điều này phần lớn các cây bút trẻ mới viết đều gặp phải không riêng gì Gia Du. Điểm cộng của Giai Du là anh chàng luôn cố gắng lồng văn hóa, giai thoại, ngụ ngôn vào câu chuyện như một lời biện dẫn dễ hiểu, quen thuộc để độc giả có một sự chiêm nghiệm tính tương quan, hay đối xứng của câu chuyện đang kể.

Với 5 chương mang tên Thiên, Địa, Nhân, Âm, Dương, chàng trai trẻ như quay lại sự tuần hoàn của dòng đời để từ nói lên bản tính sơ khởi của con người, cũng như hành trình của một thân phận trong hiện kiếp này. Điều làm nên sự lý thú của tiểu thuyết này, mà cũng cho thấy kĩ thuật tạo mảng miếng, cài cắm của Giai Du sẽ khiến độc giả đi theo đến tận cùng trang cuối là những cú xoay vòng. Người đọc ngỡ như đã phân minh tường tận nhưng chỉ cần lật sang trang đã thấy chuyện đời hư ảo tỏ mờ một cách tráo trở. Tiểu thuyết mượn câu chuyện chốn tiên nhưng lại nói chuyện đời với vấn nạn bạo lực học đường, ngoại tình, cướp của, lẫn câu chuyện hôn nhân gia đình bị tha hóa khi tình yêu không còn là mấu chốt để tạo dựng hạnh phúc. Cuối cùng, khi khép trang sách lại chúng ta nghĩ gì? Tôi thích sự chiêm nghiệm của chàng trai chỉ sinh năm 2001 này: “Người dưới trần gian khi nhìn lên đầu thì sẽ thấy Trời, vậy người đã ở trên trời rồi thì khi nhìn lên đầu sẽ thấy gì?”

Giai Du còn chặng đường dài để đi trên hành trình văn chương, nhưng với hoài bão và thử thách luôn làm mới mình qua mỗi tác phẩm cùng tư duy sáng tạo của thế hệ GenZ thì có lẽ chàng trai này sẽ có những cú bứt thoát hơn ở những tác phẩm tiếp theo. Chỉ mới từ “Chiều chiều quạ nói với diều” và “Kiện Trời”, Giai Du chưa thể tạo dấu ấn trong làng văn trẻ, nhưng tôi nhìn thấy ở anh chàng sự học hỏi và không ngừng phấn đấu, cùng đam mê rất mãnh liệt thì lại tin một ngày nào đó cái tên Giai Du sẽ thu hút được một vùng độc giả cho riêng mình.

Tống Phước Bảo